Nếu là lần đầu tiên khám phụ khoa, hẳn bạn sẽ thấy lạ lẫm với những phương pháp chẩn đoán như phết cổ tử cung, soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung... Đừng sợ, chỉ sau vài lần khám, bạn sẽ quen và hiểu hết ý nghĩa của các kỹ thuật này.
Riêng đối với kỹ thuật soi cổ tử cung, hẳn bạn sẽ quan tâm nhiều hơn một chút vì thông thường thì bác sĩ sẽ cho bạn nhìn thấy hình ảnh thật bên trong cơ thể. Một ít kiến thức trong bài viết này sẽ giúp bạn dễ dàng nắm được soi cổ tử cung là gì, mục đích ra sao và hình ảnh thể hiện thế nào…
Hệ thống kính phóng đại
Soi cổ tử cung là một phương pháp chẩn đoán bệnh lý vùng cổ tử cung với sự trợ giúp của một máy chuyên dùng. Bản chất của máy soi chỉ là một hệ thống kính phóng đại (có thể lên đến 25 lần) kèm theo một hệ thống chiếu sáng và các kính lọc khác nhau để làm rõ tổn thương.
Những năm trước đây, máy soi cổ tử cung giống như một kính hiển vi mà bác sĩ phải dán mắt vào đấy. Sau này, nhờ các tiến bộ về điện tử, hình ảnh được truyền lên màn hình mà bệnh nhân cũng thể thấy cùng lúc với bác sĩ.
Soi cổ tử cung hoàn toàn khác với soi tử cung (hay đúng hơn là soi buồng tử cung). Máy soi cổ tử cung được đặt ở bên ngoài và quan sát trực tiếp khi bác sĩ dùng mỏ vịt để thấy bên trong. Ngược lại, soi buồng tử cung phải dùng một ống soi thật nhỏ đưa vào tận trong lòng tử cung để quan sát.
Đôi khi bệnh nhân lầm soi cổ tử cung với soi đại tràng vì tên hai thủ thuật này hơi giống nhau (colposcopy và colonoscopy).
Khi nào cần soi?
Thật ra, soi cổ tử cung cũng chỉ là một phương tiện hỗ trợ cho cặp mắt của người bác sĩ phụ khoa. Khi cổ tử cung có khối u đã lớn, bác sĩ có thể dễ dàng sờ thấy hoặc nhìn thấy bằng mắt thường. Soi cổ tử cung sẽ giúp phát hiện những tổn thương ở giai đoạn sớm hơn. Nhờ khả năng khuếch đại và hình ảnh sắc nét của máy, bác sĩ có khả năng nhận định được vùng bất thường qua sự thay đổi màu sắc niêm mạc và sự phân bố các cấu trúc mạch máu tại chỗ. Hiếm khi bác sĩ có thể khẳng định ngay, thường thì phải dùng một kềm bấm sinh thiết để lấy một mẫu mô đúng chỗ nghi ngờ. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ là người cho câu trả lời cuối cùng sau khi đọc tiêu bản.
Hầu hết các trường hợp khám phụ khoa chỉ dùng phết cổ tử cung (PAP’s smear) để tầm soát ung thư. Kết quả phết tế bào có 3 nhóm (Theo hệ thống Besthesda 2001): tế bào bình thường, tế bào thay đổi lành tính và thay đổi bất thường các tế bào biểu mô. Khi có thay đổi bất thường tế bào biểu mô, tùy theo loại và mức độ mà bác sĩ sẽ cho phết lại hoặc cho soi cổ tử cung để làm sinh thiết. Nếu bệnh nhân có điều kiện, bác sĩ cũng có thể chỉ định soi cổ tử cung ngay từ đầu.
Có nguy hiểm không?
Câu trả lời là không! Rất dễ hiểu vì máy soi đặt ở bên ngoài cơ thể, chẳng hề động chạm đến người bệnh nhân. Bệnh nhân có thể cảm thấy hơi khó chịu vì tư thế gò bó kéo dài 10-15 phút hoặc có thể chảy máu do sinh thiết nhưng bản thân thủ thuật soi cổ tử cung thì tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng trước khi soi thì bác sĩ không thể nào trả lời câu hỏi sẽ sinh thiết hay không. Vì thế, cần chú ý một số chi tiết để tránh những rủi ro khi sinh thiết.
Bạn cần thông báo cho bác sĩ biết bạn có đang có thai hay không; có đang dùng thuốc nào khác (đặc biệt là các thuốc kháng viêm giảm đau và thuốc chống đông máu); có tiền sử dị ứng thuốc hay không; có tiền sử rối loạn đông máu?
Bạn không nên: Giao hợp trong vòng 24 giờ trước; Đặt tampon, các thuốc đặt trong vòng 24 giờ trước; Thực hiện soi vào ngày đang có kinh; Lo lắng hay sợ hãi vì đây là một thủ thuật rất nhẹ nhàng.
Chú ý là bạn vẫn có thể ăn uống như bình thường vào ngày đi khám. Tuy nhiên, để cảm thấy thoải mái hơn, bạn nên đi vệ sinh trước khi vào soi.
Soi cổ tử cung là một phương tiện chẩn đoán trực quan sinh động và giúp bệnh nhân nắm được các vấn đề cần xử lý hay theo dõi. Một số bạn có thể có cảm giác e ngại khi nhìn vào màn hình, thầm nghĩ… kinh khủng quá! Không phải vậy đâu bạn ạ! Hình ảnh trên màn hình thấy rất lớn là do có sự phóng đại qua các hệ thống lăng kính và điện tử. Chỉ cần nghĩ đơn giản đó là một phần cơ thể của mình đang bị bệnh, cần được chăm sóc nhẹ nhàng thì bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, có thể yêu cầu bác sĩ sử dụng các thiết bị nghe nhạc như mp3, Ipod để giúp trấn định.
Thông thường, bệnh nhân được đặt nằm như tư thế khám phụ khoa thông thường. Sau khi dùng mỏ vịt mở rộng âm đạo thì máy soi sẽ được đẩy đến gần và chiếu sáng vào bên trong. Nếu bác sĩ cần sinh thiết thì sẽ báo cho bạn biết trước. Động tác sinh thiết có thể làm bạn hơi đau khi bác sĩ bấm. Một số bệnh nhân biết trước là mình sẽ bị sinh thiết (khi có tổn thương đang theo dõi) có thể dùng thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol hay Ibuprofen) 1 viên uống từ 30-60 phút trước khi soi. Mẫu sinh thiết này sẽ được cố định bằng Formol và gửi đến bác sĩ giải phẫu bệnh. Để làm rõ tổn thương, trong vài trường hợp các bác sĩ sẽ phun vào bên trong các chất nhuộm màu như acetic acid hay dung dịch iod.
Bạn đã soi xong rồi, giờ thì sao?
Trước hết, bạn cần biết là sau khi sinh thiết sẽ có chảy máu một ít. Tình trạng chảy máu này có thể kéo dài một hai ngày và tự hết. Cũng có thể có ít dịch tiết thay vì máu. Trong cả hai trường hợp đều không cần phải lo lắng. Cũng cần chú ý là bạn không nên thụt rửa hay đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo trong vòng 1 tuần (thuốc đặt, tampon). Bạn cũng tránh giao hợp trong vòng 1 tuần.
Khi có một trong những triệu chứng sau bạn cần liên hệ gấp với bác sĩ vì có khả năng có biến chứng:
- Đau nhiều vùng bụng dưới
- Sốt, lạnh run kèm với tiết dịch âm đạo có mùi hôi
- Chảy máu rỉ rả kéo dài hay chảy máu ồ ạt lượng nhiều
Như đã nói trước, tỷ lệ biến chứng rất thấp nên bạn cứ an tâm khi đi làm thủ thuật này nhé. Kết quả giải phẫu bệnh sẽ được thông báo sau vài ngày. Hy vọng là mọi chuyệtn đều tốt đẹp và bạn có thể an tâm để chờ đến kỳ kiểm tra kế sau 1 năm.