Phết tế bào cổ tử cung : thông thường và Pap Liqui Prep

Đăng bởi Admin vào lúc 11:35 - 07/10/2020

I. NGUYÊN LÝ

Phương pháp này nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện sớm các tế bào tiền ung thư, ung thư cổ tử cung. Đây là kỹ thuật tế bào chất lỏng thế hệ 2, không ảnh hưởng đến môi trường, thiết bị đơn giản, có thể lưu trữ bệnh phẩm để xét nghiệm lại khi cần (không phải mời Người bệnh đến lấy lại bệnh phẩm tế bào như các phương pháp khác), có thể sử dụng bệnh phẩm cho phân tích các thụ thể, gen, các tác nhân gây bệnh, hóa miễn dịch tế bào…chỉ trong 1 lần lấy bệnh phẩm. Dùng các hóa chất hòa tan chất nhầy và hồng cầu để các thành phần này không che lấp các tế bào cần quan sát, cũng như dùng chất dính để các tế bào như được dán lên phiến kính, không bị trôi khi nhuộm. Các tế bào không bị chồng chất lên nhau, nên rất dễ quan sát, do đó tăng độ nhậy, độ chính xác, giảm tỷ lệ âm tính giả.

 

II. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

+ Bác sĩ chuyên khoa sản phụ hoặc bác sĩ đã được tập huấn cách lấy bệnh phẩm: 01

+ Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học: 01

2. Phương tiện, hóa chất

- Các dụng cụ để lấy tế bào cổ tử cung – âm đạo (như ở mục quy trình làm phiến đồ tế bào cổ tử cung – âm đạo, chỉ thay quệt bẹt bằng chổi lấy tế bào).

- Máy ly tâm 50 ống, tốc độ từ 1000-2000 vòng/phút.

- Các ống ly tâm, lọ đựng bệnh phẩm có chất cố định.

- Máy trộn lắc votex: dùng để đánh tan chất nhầy cũng như trộn đều tế bào.

- Ống hút tự động loại 20 đến 200µ và loại 500 đến 6000µ.

- Dung dịch làm sạch (Cleaning Solution).

- “ Chất dính” (Cell base).

- Phiến kính, lá kính sạch.

- Cồn 50, 70, 80, 90. 95, 100 độ.

- Phẩm nhuộm Papanicolaou.

- Kính hiển vi quang học (kiểm tra chất lượng phiến đồ sau khi nhuộm),

- Hộp đựng phiến đồ. Kính hiển vi chụp ảnh (để minh họa).

 

III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Lấy bệnh phẩm: Người bệnh được khám phụ khoa, lấy tế bào cổ tử cung vùng chuyển tiếp bằng chổi nilon (hình dưới).

- Lấy mẫu bằng chổi tế bào cổ tử cung (Cervix Brush®): Đưa chổi vào cổ tử cung, phần lông dài ở giữa nằm ở trong ống cổ tử cung. Xoay chổi 2-3 lần quanh bề mặt cổ tử cung. Rút cây chổi ra, nhúng vào lọ đựng dung dịch cố định tế bào (Preserv Cyt®). Bật nhẹ để đầu chổi nằm lại trong lọ đựng dung dịch cố định và lấy cán chổi ra. Đậy nắp lọ cẩn thận.

- Ghi đầy đủ các thông tin về Người bệnh trên nhãn ngoài lọ cũng như ở phiếu xét nghiệm theo quy định.

2. Các bước thực hiện tại phòng xét nghiệm

- Bước 1: Cho dung dịch làm sạch vào lọ chứa bệnh phẩm.

- Bước 2: Trộn kỹ mẫu bằng máy Votex trong 45 giây.

- Bước 3: Rót mẫu vào ống ly tâm.

- Bước 4: Ly tâm 1000 vòng/phút trong 10 phút.

- Bước 5: Gạn bỏ dịch phía trên.

- Bước 6: Pha loãng mẫu với dung dịch chất dính (Cell base), tỷ lệ 1/3.

- Bước 7: Trộn đều mẫu trước khi hút đưa lên phiến kính.

- Bước 8: Dàn dịch lên phiến kính.

- Bước 9: Nhuộm phiến đồ theo phương pháp Papanicolaou như sau:

1. Cồn 80o nhúng 5 lần (8 - 10 giây)

2. Cồn 70o nhúng 5 lần (8 - 10 giây)

3. Cồn 50o nhúng 5 lần (8 - 10 giây)

4. Nước cất nhúng 5 lần (8 - 10 giây)

5. Hematoxylin Harris : 6 phút

6. Nước cất : nhúng 5 lần

7. Dung dịch HCl 0,25% : nhúng 6 lần.

8. Nước chảy : 6 phút

9. Nước cất : 5 lần nhúng

10. Cồn 50o nhúng 5 lần

11. Cồn 70o nhúng 5 lần

12. Cồn 80o nhúng 5 lần

13. Cồn 95o nhúng 5 lần

14. Orange G6 : 1 phút 30 giây

15. Cồn 95o : nhúng 5 lần

16. Cồn 95o: nhúng 5 lần (lọ đựng cồn khác)

17. EA 50 : 1 phút 30 giây

18. Cồn 95o : nhúng 5 lần

19. Cồn 95o : nhúng 5 lần

20. Cồn 95o: nhúng 5 lần

21. Cồn tuyệt đối : 5 lần nhúng

22. Cồn tuyệt đối - Xylol (1/1): 5 lần nhúng

23. Xylol : 5 lần nhúng

24. Gắn lá kính.

 

IV. KẾT QUẢ

- Phiến đồ mỏng, đều, các tế bào không chồng chất lên nhau, không còn chất nhầy và hồng cầu.

- Nhân tế bào: Bắt màu xanh xám hay tím rõ.

- Bào tương: Các tế bào ưa kiềm sẽ bắt màu xanh sáng đôi khi xanh lá cây nhạt, các tế bào ưa axit sẽ bắt màu hồng đỏ hay da cam.

 

V. MỘT SỐ SAI SÓT VÀ CÁCH XỬ TRÍ

- Cần xem xét lượng tế bào nhiều hay ít để pha dung dịch chất dính (cell base). Nếu mật độ tế bào thấp, cần dùng ít dung dịch cell base để có đủ tế bào chẩn đoán.

- Lưu ý thời gian nhuộm nhân, không để quá dài ,vì nếu nhuộm nhân lâu sẽ làm tăng sắc, có thể dẫn đến nhận định sai.